Những cách thức doanh nghiệp có thể lựa chọn để đưa dây chuyền cũ về Việt Nam.
Lưu ý: Để thuận tiện cho bạn đọc, trong bài viết này, người viết sẽ thống nhất khái niệm dây chuyền cũ hay dây chuyền công nghệ cũ được hiểu là dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng dù hai khái niệm này không hoàn toàn tương đồng nhau.
Nhập khẩu dây chuyền cũ bao gồm những yêu cầu và trình tự phức tạp, AIPAS đã dành riêng một bài viết chi tiết về những quy định, điều kiện và những lưu ý khi nhập khẩu dây chuyền cũ. Các bạn có thể tham khảo thêm ở bài viết dưới đây: https://aipas.com.vn/nhap-khau-day-chuyen-cu-lam-sao-de-tro-nen-kha-thi/
Ở bài viết này, chúng tôi trình bày cách thức nhập khẩu dây chuyền cũ với các trường hợp giám định tại nước xuất khẩu và tại Việt Nam. Hãy cùng bắt đầu đi sâu vào tìm hiểu các bạn nhé!
Cách thức nhập khẩu dây chuyền cũ quy định ở đâu?
Cách thức thực hiện nhập khẩu dây chuyền cũ hiện được quy định ở 2 văn bản:
Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg ngày 19/4/2019 Quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng;
Quyết định số 28/2022/QĐ-TTg ngày 20/12/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2023.
Ngoài các thủ tục phải thực hiện trong hoạt động xuất nhập khẩu thông thường, dây chuyền cũ phải được giám định các tiêu chí trước khi thông quan: Cho phép áp dụng hình thức giám định tại nước xuất khẩu hoặc giám định trong nước sau khi đã lắp đặt (Cập nhật tại Quyết định số 28/2022/QĐ-TTg).
Trường hợp giám định dây chuyền cũ tại nước xuất khẩu
Bước 1: Xác định dây chuyền công nghệ cần thực hiện giám định, kiểm tra công nghệ của dây chuyền có thuộc Danh mục cấm chuyển giao, hạn chế chuyển giao hay không.
Tất nhiên rồi, trước tiên bạn cần kiểm tra công nghệ của dây chuyền có thuộc Danh mục cấm, hạn chế chuyển giao không. Nếu thuộc danh mục này thì rất tiếc, dây chuyền này không đủ điều kiện nhập khẩu và cần tính phương án khác cho Doanh nghiệp mình.
Bước 2: Trưng cầu giám định với tổ chức giám định đã được Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ định giám định dây chuyền
Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chỉ chỉ định cho một số đơn vị có đủ năng lực giám định dây chuyền cũ chứ không phải tất cả. Vậy nên, bạn cần kiểm tra trong danh sách tổ chức bạn quan tâm có được phép giám định dây chuyền hay không;
Danh sách tổ chức giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ, đường link tham khảo: https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/17111/danh-sach-to-chuc-giam-dinh-duoc-chi-dinh–duoc-thua-nhan.aspx
Lời khuyên của chúng tôi: Việc lựa chọn tổ chức giám định rất quan trọng vì các bạn sẽ phải phối hợp với nhau trong suốt quá trình làm việc cả trong nước lẫn nước ngoài cho tới khi dây chuyền về Việt Nam và thông quan mới được xem là hoàn tất, bạn cần đánh giá các yếu tố:
- Tổ chức giám định đã có kinh nghiệm giám định dây chuyền tại nước ngoài hay chưa, đặc biệt tại quốc gia bạn đang lắp đặt dây chuyền;
- Tổ chức đó có khả năng tư vấn và năng lực giải thích các rủi ro hay không (nếu không đủ năng lực bảo vệ kết quả giám định, rất có thể bạn nhập về rồi mà chứng thư không được chấp nhận khi ấy sẽ lại phải tái xuất đi);
- Chứng thư của tổ chức ấy phát hành đã từng được các Cơ quan Hải quan chấp nhận hay chưa.
Nếu bạn chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này hãy tham khảo dịch vụ của AIPAS, AIPAS là tổ chức giám định được Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ định giám định dây chuyền công nghệ theo Quyết định số 994/QĐ-BKHCN ngày 24/5/2023. Chúng tôi đã thực hiện nhiều cuộc giám định tại các Quốc gia khác nhau như Hàn Quốc, Trung Quốc, Phillipines,…và đều thành công đưa các dây chuyền về Việt Nam.
Bước 3: Chuẩn bị các điều kiện để tiến hành giám định tại nước xuất khẩu.
Đây sẽ là bước quan trọng nhất quyết định việc cuộc giám định có được diễn ra thuận lợi hay không. Bạn nên hết sức chú ý cho bước này để tránh mất nhiều thời gian hoặc nghiêm trọng hơn là cuộc giám định không thực hiện được.
Đối với Doanh nghiệp cần chú ý:
- Quy định yêu cầu dây chuyền phải được lắp đặt và đảm bảo vận hành hoạt động;
- Chuẩn bị nguyên vật liệu, nhân sự, nguồn điện, an toàn…;
- Chuẩn bị nhân sự, kĩ thuật viên để phối hợp làm việc, giải đáp thông tin với tổ chức giám định.
Công tác phối hợp với tổ chức giám định:
- Thủ tục nhập cảnh, ăn ở đi lại và các thủ tục phát sinh khác;
- Kế hoạch tác nghiệp, thời gian, yêu cầu cụ thể về kỹ thuật, đo kiểm…;
- Thời gian trả chứng thư, kết quả so với tiến độ yêu cầu.
Bước 4: Tổ chức giám định thực hiện giám định thực tế và cấp chứng thư cho dây chuyền công nghệ.
Tổ chức giám định sẽ cử giám định viên tới nước xuất khẩu nơi dây chuyền đang hoạt động để tiến hành kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu quy định và cấp chứng thư cho lô hàng.
Bước 5: Đóng gói, vận chuyển dây chuyền công nghệ về Việt Nam, nộp Chứng thư giám định phù hợp các yêu cầu cho Cơ quan Hải quan khi làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa.
Doanh nghiệp bạn cần tiến hành đóng gói, vận chuyển, làm thủ tục thông quan, hoàn tất quá trình nhập khẩu dây chuyền.
Lưu ý: Chứng thư có hạn 18 tháng kể từ ngày cấp, nếu trong 18 tháng doanh nghiệp không nhập khẩu về Việt Nam chứng thư sẽ không còn giá trị sử dụng.
Trường hợp giám định dây chuyền cũ tại Việt Nam
Để được làm theo trường hợp này, trước tiên doanh nghiệp của bạn thuộc một trong các trường hợp:
- Doanh nghiệp công nghệ cao;
- Dự án hoạt động ứng dụng công nghệ cao;
- Dự án thuộc đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Đầu tư.
Bước 1: Xác định dây chuyền công nghệ cần thực hiện giám định, kiểm tra công nghệ của dây chuyền có thuộc Danh mục cấm chuyển giao, hạn chế chuyển giao hay không.
Đây là điều kiện tất yếu trước tiên để xác định dây chuyền của bạn có thể nhập về được hay không. Bạn có thể kiểm tra nội dung bên trên với trường hợp giám định dây chuyền tại nước xuất khẩu.
Bước 2: Lập văn bản cam kết.
Khác với trình tự giám định tại nước xuất khẩu, bạn cần lập văn bản cam kết theo Mẫu số 01 Quyết định số 28/2022/QĐ-TTg kèm theo danh mục máy móc, thiết bị thuộc dây chuyền dự kiến nhập khẩu gửi Bộ Khoa học và Công nghệ; Cơ quan hải quan nơi doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu; UBND tỉnh, thành phố nới nhập khẩu về để cập nhật.
- Lưu ý bạn cần gửi đồng thời văn bản cam kết tới 3 cơ quan trên và chỉ được làm thủ tục nhập khẩu tại một địa điểm làm thủ tục hải quan.
Bước 3: Trưng cầu giám định với tổ chức giám định đã được Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ định giám định dây chuyền.
- Bạn cần trưng cầu với tổ chức giám định theo Mẫu số 02 Quyết định số 28/2022/QĐ-TTg
- Sau khi tổ chức giám định xác nhận, bạn gửi bản xác nhận tới Bộ Khoa học và Công nghệ; Cơ quan hải quan nơi bạn làm thủ tục nhập khẩu.
- Một khi danh mục có sự thay đổi, bạn cần gửi Văn bản đề nghị điều chỉnh có xác nhận của tổ chức giám định được chỉ định về Bộ Khoa học và Công nghệ và cơ quan hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu.
Bước 4: Doanh nghiệp đưa hàng hóa về lắp đặt, vận hành để giám định thực tế và cấp chứng thư cho dây chuyền.
Sau bước đăng ký, bạn được đưa hàng hoá về bảo quản, lắp đặt và vận hành phục vụ giám định. Bạn không được đưa dây chuyền vào sản xuất bởi thực tế dây chuyền của bạn chưa hoàn tất thủ tục thông quan.
Bạn có thể đưa dây chuyền về thành nhiều đợt, tuy nhiên không quá 12 tháng kể từ ngày đưa lô hàng đầu tiên về bảo quản, bạn phải nộp chứng thư giám định cho cơ quan hải quan.
Trường hợp dây chuyền công nghệ phức tạp, tiến độ lắp đặt, vận hành và giám định dây chuyền công nghệ vượt quá thời gian cam kết, chậm nhất 30 ngày trước thời hạn nộp chứng thư bạn cần làm gia hạn thời gian nộp chứng thư, không được gia hạn quá 06 tháng so với thời điểm cam kết lần đầu.
Bước 5: Nộp Chứng thư giám định cho Cơ quan Hải quan, thông quan hàng hóa.
Trường hợp chứng thư đáp ứng các yêu cầu quy định, bạn sẽ được thông quan hàng hóa.
Nếu kết quả giám định không đáp ứng yêu cầu quy định, doanh nghiệp sẽ bị xử lý theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan và buộc phải tái xuất.
Tuy nhiên, thông quan không phải là đã xong, bạn cần thực hiện thêm 2 thủ tục nữa sau khi thông quan dây chuyền:
- Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc sau khi thông quan, doanh nghiệp bạn phải gửi báo cáo về Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thực hiện dự án theo Mẫu số 04 Quyết định số 28/2022/QĐ-TTg;
- Trong thời hạn không quá 3 tháng kể từ thời điểm nhận được báo cáo của doanh nghiệp bạn về việc hoàn thành thủ tục thông quan, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành nơi thực hiện dự án và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra doanh nghiệp bạn một lần nữa. Vậy nên bạn hãy thật cẩn thận và chấp hành đầy đủ các quy định cũng như lường trước các khó khăn bạn nhé.
Những thông tin mà AIPAS cung cấp trên đây mong rằng có thể giúp các bạn hiểu hơn về những cách thức để có thể nhập khẩu dây chuyền cũ về Việt Nam. Nếu bạn cần thêm thông tin về các trường hợp phát sinh khác, hãy liên hệ AIPAS, chúng tôi sẽ giúp bạn có những thông tin đầy đủ và chính xác về thủ tục nhập khẩu đúng theo yêu cầu quy định.
AIPAS sở hữu đội ngũ tư vấn viên, giám định viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, am hiểu về luật pháp cũng như các quy trình thủ tục và khả năng giải đáp các vấn đề có liên quan.
Chúng tôi cung cấp dịch vụ hỗ trợ tư vấn, thực hiện giám định và sẽ hỗ trợ bạn hoàn tất thủ tục nhập khẩu dây chuyền cũ một cách an toàn, hiệu quả, đúng theo các quy định của pháp luật với thời gian và chi phí hợp lý.
Hãy liên hệ với AIPAS qua số hotline 0965598956 hoặc 02466598956 để được hỗ trợ dịch vụ Giám định dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng tốt nhất!
Xem thêm: “Giám định dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng“